Kiến thức

Là công ty cung cấp các sản phẩm và giải pháp toàn diện về dinh dưỡng cây trồng hàng đầu, chúng tôi mong muốn giải quyết những thách thức toàn cầu và tạo ra sự thay đổi tích cực.

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC DƯA HẤU

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC DƯA HẤU

Dưa hấu (Citrullus lanatus) là một loài thực vật thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae), có giá trị dinh dưỡng và thương mại cao. Ở Việt Nam, diện tích trồng dưa hấu ngày càng tăng, sản xuất dưa hấu mang lại thu nhập cao, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

1. Chọn đất và chuẩn bị đất

- Đất trồng dưa nên luân canh với cây trồng khác họ lúa, ngô, cây họ đậu.

- Thu dọn tàn dư cây vụ trước, cày phay tơi nhỏ, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống rộng 2,5 - 3 m loại luống đơn, 4,5 - 6 m với luống kép, hình mui luyện. Rãnh rộng 30cm, sâu 25 cm. Hướng luống đông - tây để có nhiều ánh sáng. Xử lý đất bằng vôi bột 300 kg/ha, Vicarben 30 kg/ha để chống sâu xám và nhộng của các loại côn trùng.

Sau khi bón lót, tiến hành phủ màng nông nghiệp. Hướng mặt bạc lên trên, mặt đen xuống dưới để giữ đất tơi xốp, giữ ẩm, ấm cho cây, tránh rửa trôi dinh dưỡng khi mưa to, tránh cỏ dại.

2. Thời vụ trồng dưa hấu

a. Các tỉnh phía Bắc

  • Vụ xuân hè: Do có mùa đông lạnh nên vụ này là vụ chính. Gieo vào cuối tháng 2, trồng 10 - 15/3, thu hoạch cuối tháng 5.
  • Vụ hè: Trồng khi gặt xong lúa chiêm xuân sớm, giữa tháng 6, thu hoạch cuối tháng 7. Thời vụ này thích hợp cho vùng trồng dưa hấu ở Đồng bằng sông Hồng. Nhược điểm của vụ này là mưa nhiều nên các chân đất trũng hay bị ngập. Cần trồng dưa hấu ghép lên gốc bầu để chịu úng và chống bệnh héo vàng.
  • Vụ đông: Vụ này nghiêm ngặt về thời gian nên chỉ vùng nào người dân có kinh nghiệm thâm canh mới nên trồng. Gieo hạt cuối tháng 8, trồng đầu tháng 9, thu hoạch cuối tháng 11, đầu tháng 12.

b. Các tỉnh miền Trung và miền Nam

  • Vụ sớm: Gieo trồng tháng 10, thu hoạch cuối tháng 12, trồng trên chân đất thoát nước, do ảnh hưởng mưa đầu vụ. (Vụ này trồng ở phía Nam do miền Bắc có nhiệt độ khá thấp, không thích hợp để cây sinh trưởng).
  • Vụ chính: Gieo trồng tháng 11, thu hoạch tết âm lịch. Mùa này cây sinh trưởng thuận lợi, nên năng suất cao. (Ở vụ này, thời tiết khá mát mẻ, thuận lợi giúp dưa hấu dễ đạt năng suất cao và sức mua trên thị trường cũng rất tốt. Tuy nhiên giai đoạn ra hoa kết quả có khả năng gặp thời tiết lạnh, hoa khó có thể tự thụ phấn nên người nông dân cần thực hiện thụ phấn bổ sung).
  • Vụ hè: thu hoạch sau tết âm lịch và kéo dài đến khoảng tháng 5 tháng 6, trồng trên đất sau lúa ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và các tỉnh miền Trung. Thời gian này, các yếu tố nhiệt độ, khí hậu trên cả nước đều rất thuận lợi, lý tưởng cho dưa hấu sinh trưởng và phát triển.

Lưu ý: Nếu trồng dưa muộn dễ gặp điều kiện thời tiết nhệt độ thấp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của dưa, đặc biệt là giai đoạn ra hoa, đậu quả.

3. Kỹ thuật làm vườn ươm

Lượng hạt giống cần dùng cho 1 ha là 0.5 - 1 kg, tùy theo hạt nhỏ, hay hạt to. Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) từ 4 - 5 giờ. Vớt hạt rửa sạch hết nhớt. Ủ hạt trong khăn bông 2 - 3 ngày ở nhiệt độ 28 - 30oC cho nứt nanh.

Gieo thẳng: Chuẩn bị lổ trồng ngoài đồng ruộng bằng chày, nọc đục lổ, sâu 10cm, bón phân tro hoai mục để giữ đất ẩm sau khi gieo. Gieo hạt đã nứt mầm, sâu 2-3cm, lấp hạt với tro trấu hay đất bột.

Gieo bầu: Gieo hạt trong bầu là thuận lợi nhất, tiện cho việc chăm sóc cây con, tiết kiệm hạt giống và có thời gian chuẩn bị đất trồng chu đáo hơn. Làm luống rộng 60-80cm, cao 15-20cm, nơi có ánh sáng đầy đủ và thoáng gió để đặt bầu. Sau 3 ngày cây con mọc, mùa mưa cần che mưa cho cây con, để cây nơi có nhiều nắng cho cây khỏe. Sau mọc 1 tuần vào mùa ấm có thể trồng ra đồng. Vụ xuân sau gieo khoảng 20 ngày có thể trồng được.

4. Làm đất

- Chuẩn bị đất: Nếu trồng trên đất ruộng lúa, nên làm đất sau khi thu hoạch lúa. Dọn sạch cỏ dại và tàn dư thực vật, cày 1 lượt, bừa 1-2 lượt rồi đào mương lên líp.

- Phân lô, lên luống: Khoảng cách luống thường 2,5-3m cho luống đơn và 4,5-6m cho luống đôi. Mương tưới nước rộng 30-40cm, sâu 40cm, bố trí theo hướng Đông Tây để cây nhận được nhiều ánh sáng. Luống trồng rộng 80-90cm, cao 15-20cm.

Khi trồng, các hốc cây cần đảm bảo cách nhau từ 45 - 50 cm tùy theo từng loại giống dưa hấu. Như vậy, để đảm bảo có đủ số lượng cây giống ban đầu (bao gồm cả lượng cây con dự phòng) cho mỗi sào sẽ vào khoảng 35 gram, tương đương tầm 350 cây con.

Tiến hành cày rãnh sâu, mỗi rãnh rộng khoảng 35 - 40 cm. Chia ruộng thành các luống trồng khoảng 5m, làm đất thoải, tạo các rãnh nhỏ để đảm bảo thoát nước, đặc biệt là vào mùa mưa.

5. Mật độ, khoảng cách

Mật độ, khoảng cách : Khoảng cách thích hợp là 2,5 - 3m x 0.45 - 0,5 m (hàng cách hàng 0,5 m; cây cách cây 2,5 - 3 m); mật độ 6.500 - 9.000 cây/ha.

Muốn có năng suất cao nên trồng 2,3-2,5m x 0,5-0,6m, nghĩa là mật độ 9.000 cây/ ha.

6. Cách trồng

Sau khi đem gieo vào bầu, đặt hạt nằm ngang, rễ quay xuống dưới

Khi cây con có 2 lá thật (5-7 ngày tuổi) thì tiến hành trồng ra ruộng. Tưới nước đẫm, rạch bao nylon rồi đặt bầu vào lỗ đục sẵn. Rạch túi bầu và đặt cây vào lỗ đục sẵn, lấp đất kỹ. Không nên trồng quá sâu, tưới đủ ẩm trong 3 ngày đầu. Có thể phun thuốc trừ bọ trĩ, sâu ăn lá, rệp trước khi trồng cây ra ruộng.

Với phương pháp gieo thẳng, sử dụng các công cụ đục lỗ sâu tầm 10 cm. Bón thêm phân hoai mục khi trồng để giữ ẩm cho đất. Sau khi gieo trồng nên lấp hạt với tro trấu và đất bột.

Nếu sử dụng phương pháp gieo bầu, sau khi khoét cá hố đất, đặt mặt bầu nằm ngang líp rồi nén chặt đất để giữ vị trí cố định cho cây dưa hấu non. Dùng đất tơi xốp phủ lên bề mặt và tưới ẩm ngay sau khi hoàn thành.

Sử dụng màng phủ nông nghiệp (bạt Plastic)

- Mục đích:

* Có tác dụng hạn chế sâu bệnh hại.

* Hạn chế bốc thoát hơi nước, tiết kiệm nước.

* Tiết kiệm phân bón.

* Tăng khả năng quang hợp cho cây.

* Hạn chế cỏ dại.

* Giữ độ ẩm và nhiệt độ cho bộ rễ.

* Hạn chế mưa xói mòn, ảnh hưởng úng rễ.

- Cách trải bạt: Dùng bạt có chiều ngang 1 m, phủ mặt có màu tráng bạt lên phía trên mặt, kéo căng bạt theo chiều dài luống, bìa bạt phủ sát mép mương để tránh cỏ mọc sau này.

- Đục lỗ: Dùng lon bia có đường kính 8-10cm, cắt 2/3 mài bén hoặc dùng than đốt nóng bỏ vào lon để đục lỗ bạt tạo thành lỗ tròn, cách đầu mương từ 20-30cm.

7. Phân bón

Bón đều trên luống hoặc bón theo hàng trồng khi làm luống. Xong trải màng phủ nông nghiệp, đục lỗ, gieo hạt. Khi bón phân tránh để phân dính lên lá, làm cháy lá tránh làm tổn thương rễ khi chăm sóc. Tùy theo độ màu mỡ của đất mà bón phân ở mức độ khác nhau:

Bón lót:

+ 500 - 600 kg phân bón hữu cơ sinh học Anfa Batorganic (hoặc 1 tấn phân chuồng hoặc phân hữu cơ hoai mục)

+ 1 tấn vôi bột

+ 400 - 500 kg/ha Anfa german number 2 (NPK 16.16.16)

Bón thúc

Bón thúc 1: (12 - 15 NST) 120 - 150 kg Anfa german number 2 (NPK 16.16.16)

Bón thúc 2: (20 - 22 NST) 120 – 150 kg Anfa german number 2 (NPK 16.16.16)

 

Bón thúc nuôi trái: (40 NST) 150 - 200 kg Anfa german number 2 (NPK 16.16.16)

(Sau khi thụ phấn, đậu quả, 40 NST thì bón thúc nuôi quả, chia làm 3 lần cứ 1 tuần tưới 1 lần, hay bón vào gốc, sau đó tưới tràn. Trước khi thu hoạch 10 ngày hòa loãng phân kali còn lại để tưới gốc cho quả ngọt).

Chú ý: Khi bón phân cho những lần bón thúc có thể dùng dùng 1 vật nhọn đâm xuyên thủng làm thủng bạt khoảng cách giữa 2 gốc dưa rồi rải phân xuống gốc. Hoặc bơm nước vào các rãnh, giữ nước lại, rồi rải phân xuống các rãnh. Đây là biện pháp tưới thấm, tuy nhiên nên bổ sung thêm lượng phân từ 20 - 30%.

Kết hợp phun phân bón lá:

MAGIE NITRAT giai đoạn cây con giúp cây phát triển nhanh thân lá mau bò

MKP giai đoạn sắp ra hoa giúp cây ra hoa đồng loạt

KALISULPHATE giúp tái to, vị ngọt, tồn trữ, bảo quản tốt, vận chuyển xa dễ dàng liều lượng 100g/18 lít, phun đều trên mặt lá, phun 5 - 7 ngày/lần cho đến khi trước thu hoạch 10 ngày.

8. Chăm sóc

Làm cỏ

Sau mỗi lần bón thúc, tiến hành làm cỏ quanh gốc và 2 bên luống để cỏ không cạnh tranh dinh dưỡng với cây

Nếu dùng màng phủ nông nghiệp, chỉ cần làm cỏ làm dưa, không nên dùng thuốc trừ cỏ ở rãnh dễ làm tổn thương lá

Tưới nước

Tùy theo điều kiện tưới tiêu, cơ sở vật chất của từng khu vực áp dụng phương pháp tưới cho phù hợp.

Có thể tưới tràn vào rãnh, để đủ ngấm, sau đó phải tháo ngay, mùa hanh khô 1 tuần tưới 1 lần. Hoặc sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Lượng nước tưới và số lần tưới tùy theo điều kiện trồng và giai đoạn tăng trưởng của cây. Khi cây nhỏ, rễ chưa ăn sâu rộng, nên tưới nhiều lần/ngày và tưới gần gốc.

Khi dưa có quả cần tưới đều đặn, không tưới ồ ạt tránh làm nứt quả. Trước khi thu hoạch 5 ngày ngừng tưới nước

Tỉa nhánh

Khi dưa bò ngả ngọn, cần tỉa bớt nhánh để tránh tiêu hao dinh dưỡng, dây khỏe, giảm sâu bệnh, quang hợp tốt.

Nếu mật độ trồng > 10000 cây/ha, mỗi cây để 1 nhánh. Nếu mật độ trồng < 10000 cây/ha, mỗi cây đẻ 2 nhánh thường xuyên tỉa nhánh, nhất là các nhánh gốc và nhánh cấp 2, cắt bằng kéo vào lúc trời nắng.

Định hướng dây

Khi dưa bắt đầu bò, tiến hành sửa dây thường xuyên và cố định vị trí bò cho các dây nằm song song trên mặt luống và thẳng góc với hàng trồng

Định hướng dây bằng cách lấy que tre ghim dây vào sát mặt đất để gió không làm lật dây.

Khi cây ngả ngọn cần trải rơm, rạ để tua bám, tránh gió lật dây.

Thụ phấn

Thụ phấn là biện pháp kỹ thuật quan trọng để chăm sóc cây. Ong và côn trùng có thể thụ phấn cho hoa dưa hấu ở ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, để dễ chăm sóc thúc nuôi quả phát triển trái lớn đều và thu hoạch cùng lúc, có thể thụ phấn bổ sung bằng tay. Thụ phấn vào buổi sáng 6 – 9 giờ, khi dây dài 1,5 m, sau trồng 25 – 30 ngày. Ngắt hoa đực bất kỳ nở to hoa vừa nở, to và có nhiều phấn chấm phấn đều lên nhụy hoa cái to, thời gian thu phấn nên kéo dài 5 – 7 ngày. Khi quả to như quả chanh tiến hành định quả.

Chọn quả

Muốn cho trái thương phẩm to, tròn đều nên để mỗi dây 1 quả. Chọn trái ở vị trí lá 15-20 trên dây chính (hoa cái thứ 3, thứ 4) hay 8-12 trên dây nhánh (hoa cái thứ 2, 3),  quả có cuống to, dài, bầu to, không sâu bệnh và lớn nhanh sau khi thụ phấn. Chọn hoa cái trên dây to, khỏe, cắm que đánh dấu, tỉa bỏ các quả khác trên cây. Nếu quả nằm chỗ trũng nên kê lên rơm cho khỏi thối.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Cần lưu ý một số loại sâu bệnh dưới đây:

- Bọ dưa, bọ trĩ

- Sâu vẽ bùa

- Sâu ăn tạp

- Bệnh thán thư

- Sâu ăn lá, sâu xám, sâu khoang

- Rầy mềm, bọ phấn

- Bệnh héo rũ cây con

- Bệnh chảy nhựa thân

- Bệnh sương mai

- Bệnh nứt thân chảy mủ

- Bệnh héo vi khuẩn

- Bệnh khảm

- Bệnh lỡ cổ rễ

- Bệnh phấn trắng

- Bệnh khảm virus

Biện pháp

- Luân canh cây trồng

- Chọn giống chống chịu

- Vặt bỏ, thu gom, tiêu hủy lá già, lá bệnh trên ruộng

- Bón phân, tưới nước cân đối, hợp lý theo nhu cầu của cây

- Thường xuyên thăm ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại theo hướng dẫn của Chi cục trồng trọt và BVTV.

9. Thu hoạch

Thu hoạch tùy theo đặc tính giống và thời tiết. Thông thường, sau khi thụ phấn bổ sung 30 - 35 ngày ở miền Bắc và khoảng 25 - 30 ngày ở miền Nam, khi quả chín 70 - 80% thì thu hoạch (65 - 70 ngày sau khi trồng). Để chất lượng trái ngon ngọt, trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày cần phải giảm, cắt nước tùy theo vùng đất. Cắt cuống dài 8 - 10 cm, vận chuyển nhẹ nhàng, dùng rơm lót dưa hấu để tránh dập nát. Năng suất 18 - 45 tấn/ha

Trên đây là một số lưu ý cũng như quy trình kỹ thuật bón phân cho cây dưa. Bà con có thể tìm mua phân bón Anfa tại các cửa hàng phân bón, đại lý hoặc liên hệ theo địa chỉ:

Công ty cổ phần Anfa Việt Nam

Địa chỉ: Lô 84, mặt bằng 2107, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Điện thoại: 0237 3755 686

Hi vọng những chia sẻ trên giúp bà con tăng năng suất và chất lương khi trồng dưa!