Kiến thức

Là công ty cung cấp các sản phẩm và giải pháp toàn diện về dinh dưỡng cây trồng hàng đầu, chúng tôi mong muốn giải quyết những thách thức toàn cầu và tạo ra sự thay đổi tích cực.

Kỹ thuật trồng và chăm bón cho cây ngô

Ngô là cây trồng quan trọng thứ ba trên thế giới sau lúa mì và lúa gạo. Tất cả các bộ phận của cây ngô từ hạt, đến thân, lá ngô đều có thể sử dụng được để làm thức ăn cho người, gia súc hoặc sản xuất ethanol để chế biến xăng sinh học. Ngày nay, khi mà nguồn xăng dầu hóa thạch đang cạn kiệt và ngày càng tăng giá thì ngành trồng ngô trên thế giới để sản xuất xăng sinh học càng phát triển. Ngô là cây trồng có năng suất rất cao, năng suất kỷ lục ở Mỹ đã đạt tới 22 tấn hạt/ha. Những nước trồng ngô nhiều là Mỹ, Nga, Braxin, Ấn độ, Inđônixia.… Ở nước ta, diện tích, năng suất và sản lượng ngô không ngừng tăng lên. Tuy nhiên sản lượng ngô trong nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu mà hàng năm chúng ta còn phải nhập khẩu khá nhiều ngô hạt (trị giá trên 500 triệu USD) để sản xuất thức ăn gia súc. Trong những năm tới, ngô vẫn là cây có vai trò quan trọng ở nước ta.

1- Đặc điểm chung

Ngô là cây trồng nhiệt đới, được trồng phổ biến trong khoảng vĩ độ 30 - 55. Ngô thích hợp với thời tiết ấm, nhiệt độ thích hợp cho giai đoạn sinh trưởng mạnh là từ 21 - 27oC. Khi nhiệt độ dưới 19oC ngô sinh trưởng phát triển chậm lại. Lượng mưa thích hợp nhất cho ngô trong khoảng 600 - 900 mm/năm. Ngô là cây có thể trồng được nhiều vụ trong năm, nước ta trồng vụ đông xuân và hè thu ở miền Nam, vụ xuân, vụ đông ở miền Bắc. Cây ngô không kén đất, do vậy có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, song thích hợp nhất là đất trung tính (pH từ 6,0 - 7,2), tơi xốp, thoát nước tốt, giàu mùn và dinh dưỡng.

2. Nhu cầu dinh dưỡng của cây ngô các giai đoạn phát triển

- Cần bón phối hợp cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ cho ngô. Vì phân hữu cơ ngoài tác dụng cung cấp một phần dinh dưỡng còn cải thiện tính chất vật lý của đất làm cây sinh trưởng tốt hơn.

- Cây ngô hút nhiều đạm, kali và lân. Lượng dinh dưỡng cây lấy đi tùy thuộc vào năng suất.
Để tạo ra được 1 tấn hạt ngô lượng dinh dưỡng cây ngô lấy đi từ đất: 22.3kg N; 8.2 kg P2O5 và 12.2 kg K2O. Lượng phân hao hụt để tạo ra 1 tấn hạt ngô là 33.9kg N; 14.5 kg P2O5 và 17.2 K2O. Tỷ lệ nhu cầu dinh dưỡng cây ngô là 1:0.35:0.45.

- Trồng ngô cũng bón thường xuyên các dạng phân chứa S như supe lân và sử dụng phân vi lượng Zn cho ngô để đảm bảo cho ngô năng suất cao, phẩm chất tốt.

- Trên đất nghèo dinh dưỡng như đất xám, đất cát cần bón nhiều lân và kali hơn đất phù sa, đất đỏ bazan. Trên đất bạc màu, đất xám, đất cát bón phân kali có tác dụng tăng năng suất rõ rệt.

2.1. Giai đoạn ngô 3 - 4 lá

- Sau khi được gieo (từ 5 - 8 ngày) mầm mọc thành cây con mới: chủ yếu sử dụng chất dinh dưỡng dự trữ trong hạt nhờ quá trình hút nước và các quá trình oxi hóa các chất bên trong hạt.

- Khi ngô trưởng thành cây con mới: sẽ bắt đầu hút dinh dưỡng của đất và cơ quan quang hợp của bộ lá bắt đầu hoạt động. Ở giai đoạn này cây ngô không cần nhiều dinh dưỡng chủ yếu cần đất thoáng khí để đảm bảo cung cấp đủ oxi cho bộ rễ phát triển. Để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng thuận lợi thì khi cây ngô có lá thứ 4 nên bắt đầu xới xáo, bón phân và kết hợp chăm sóc đợt 1.

1.2. Giai đoạn ngô 7 - 8 lá

- Đặc tính: cây ngô sinh trưởng rất mạnh về tất cả các bộ phận rễ, thân, lá.

- Nhu cầu dinh dưỡng: cây cần nhiều nước và chất dinh dưỡng, nếu gặp hạn sẽ làm cho cây bị thấp, số lượng hoa hình thành ít, chất lượng kém.

Do tốc độ sinh trưởng nhanh nên nhu cầu dinh dưỡng của phân bón của cây ngô ở thời kỳ này là rất lớn để đạt được hiệu suất cao về phân bón. Nếu thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ làm giảm năng suất rõ rệt.

- Bón phân: bón phân cho ngô đợt 2 bằng cách bón nhiều phân vô cơ kết hợp với tưới nước duy trì độ ẩm khoảng 80%.

1.3. Giai đoạn ngô xoáy nõn

- Đặc tính: cây ngô ngừng sinh trưởng thân lá để chuẩn bị trổ cờ, nhưng vẫn tiếp tục hút các chất dinh dưỡng từ đất.

- Nhu cầu dinh dưỡng: Các chất dinh dưỡng và các chất hữu cơ bắt đầu tập trung mạnh vào các cơ quan sinh sản

- Bón phân: đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và cần chú ý duy trì độ ẩm 70 - 75%.

1.4. Giai đoạn ngô trỗ cờ, tung phấn, phun râu, thụ tinh

- Đặc tính: là giai đoạn bắt đầu khi nhánh cuối cùng của bông cờ xuất hiện rõ và bắp chưa phun râu. Giai đoạn này thường kéo dài trung bình khoảng từ 10 - 15 ngày nhưng lại là giai đoạn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất ngô vì nó quyết định đến số hạt/bắp. Nếu quá trình thụ phấn, thụ tinh diễn ra thuận lợi số hạt/bắp lớn còn nếu quá trình trổ cờ, phun râu bất thuận (nghẹn cờ, râu hoặc thiếu nước hạt phấn mất sức sống…) ảnh hưởng đến thụ phấn, thụ tinh thì sẽ làm giảm số hạt/bắp (gây ra hiện tượng khuyết hàng, khuyết hạt).

- Nhu cầu dinh dưỡng: nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, dinh dưỡng và nước đầy đủ thì thời gian tung phấn và phun râu chênh lệch càng ngắn, còn nếu điều kiện ngoại cảnh bất thuận, dinh dưỡng không đầy đủ và nhất là thiếu nước thì thời điểm tung phấn và phun râu chênh lệch càng lớn. Nói chung ở thời kỳ này cây ngô chủ yếu cần đủ nước, dinh dưỡng không cần nhiều.

1.5. Giai đoạn ngô thâm râu

- Đặc tính:

Râu ngô bắt đầu chuyển dần từ trạng thái tươi (màu nâu đỏ) héo dần và thâm đi là dấu hiệu của quá trình thụ phấn thụ tinh đã kết thúc. Sau phun râu khoảng 18 - 20 ngày hạt mềm, các chất dinh dưỡng dự trữ trong hạt ở trạng thái lỏng, màu trắng như sữa, râu bắp đã khô, hàm lượng nước chiếm phần lớn khoảng 80% khối lượng hạt (nên còn gọi là thời kỳ chín sữa).

- Nhu cầu dinh dưỡng:

Đây là thời kỳ vận chuyển dinh dưỡng từ các cơ quan thân lá về hạt mạnh mẽ nhất nên việc đảm bảo đủ nước và dinh dưỡng ở thời kỳ đóng vai trò rất quan trọng. Và nhất là yếu tố kali còn có tác dụng thúc đẩy quá trình vận chuyển dinh dưỡng từ cơ quan dinh dưỡng về cơ quan dự trữ càng thuận lợi hơn.

1.6. Cây ngô sau thụ phấn, thụ tinh

- Đặc tính: Sau phun râu khoảng 24 - 28 ngày hạt đã hình thành xong chất lỏng trong hạt đặc lại dạng hồ, hạt dần cứng lại, phôi tăng nhanh về kích thước, hàm lượng nước trong hạt bắt đầu giảm còn khoảng 70% (còn gọi là thời kỳ chín sáp).

Sau phun râu khoảng 55 - 60 ngày hạt đã chín sinh lý hoàn toàn, lớp sẹo đen ở chân hạt đã hình thành, trọng lượng hạt đạt mức tối đa, báo hiệu kết thúc sự phát triển của hạt, trọng lượng nước trong hạt giảm còn 30 - 35%, lá ngô và lá bi chuyển vàng.

3. Nhu cầu phân bón cây ngô:

Ngô là cây rất phàm ăn, chính vì vậy nếu trồng độc canh ngô liên tục nhiều năm đất trồng sẽ bị giảm độ phì rất đáng kể. Cây ngô hút nhiều kali nhất, sau tới đạm, lân và các chất trung vi lượng.

Đạm là yếu tố dinh dưỡng quan trọng nhất, đóng vai trò tạo năng suất và chất lượng. Đạm được tích luỹ trong hạt 66%. Cây ngô hút đạm tăng dần từ khi cây có 3 - 4 lá tới trước trổ cờ. Ở nước ta, một số kết quả nghiên cứu cho thấy thời kỳ hút đạm mạnh nhất là 6 - 12 lá và trước khi trổ cờ, nếu các giai đoạn này mà thiếu đạm thì năng suất giảm rõ rệt. Triệu chứng thiếu đạm: cây thấp, lá nhỏ có màu vàng, các lá già có vệt xém đỏ, cây sinh trưởng chậm, cằn cỗi, cờ ít, bắp nhỏ, năng suất thấp.

Lân có vai trò quan trọng với cây ngô tuy nhiên khả năng hút lân ở giai đoạn cây non lại rất yếu. Thời kỳ 3 - 4 lá, cây ngô hút không được nhiều lân, đó là thời kỳ khủng hoảng lân của ngô, nếu thiếu lân trong giai đoạn này sẽ làm giảm năng suất nghiêm trọng. Cây ngô hút nhiều lân nhất (khoảng 62% tổng lượng lân yêu cầu) ở thời kỳ 6 - 12 lá sau đó giảm đi ở các thời kỳ sau. Triệu chứng thiếu lân của ngô biểu hiện bằng màu huyết dụ trên bẹ lá và gốc cây, trái cong queo. Trường hợp thiếu nặng lá sẽ chuyển vàng và chết. Hiện tượng này xảy ra ở lá già trước, sau đó chuyển sang lá non và phổ biến ở ngô vụ đông trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Kali có vai trò rất quan trọng tới sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của ngô. Kali tích luỹ nhiều ở thân lá (khoảng 80%) và tích luỹ trong hạt ít hơn. Cây ngô hút kali mạnh ngay từ giai đoạn sinh trưởng ban đầu. Từ khi cây mọc tới trổ cờ ngô đã hút khoảng 70% lượng kali cây cần. Thiếu kali các chất prôtit và sắt sẽ tích tụ gây cản trở quá trình vận chuyển chất hữu cơ. Thiếu kali là nguyên nhân rễ ngang phát triển mạnh, rễ ăn sâu kém phát triển do đó cây dễ đổ ngã. Thiếu kali thể hiện ở các triệu chứng như chuyển nâu và khô dọc theo mép lá và chóp lá, bắp nhỏ, nhiều hạt lép ở đầu bắp (bắp đuôi chuột), năng suất thấp.

Ngoài các chất dinh dưỡng đa lượng, cây ngô hút nhiều chất trung lượng và vi lượng. Đối với cây ngô, các chất vi lượng thường thiếu là kẽm và molypđen. Thiếu kẽm lá có màu trắng (bệnh bạch tạng), giữa các gân lá có những dải màu vàng sáng, các lóng ngắn lại. Hiện tượng thiếu kẽm thường xảy ra trên đất kiềm, nghèo mùn, đất giàu lân dễ tiêu hay bón quá nhiều lân. Thiếu molypđen lá chuyển xanh nhạt, lá non teo lại và héo, nặng hơn lá ngọn không bung ra được, có nhiều vết xém vàng.

Để tính toán và quyết định bón phân cho ngô với lượng là bao nhiêu, loại phân gì cần dựa vào các căn cứ sau:

- Căn cứ vào nhu cầu và đặc điểm hút chất dinh dưỡng của cây ngô: đây là căn cứ quan trọng nhất, phản ánh được lượng dinh dưỡng cần bổ sung cho đất.

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của đất:

+ Đối với đất bạc màu nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ dinh dưỡng kém nên bón nhiều phân hữu cơ để cải tạo đất và bón làm nhiều lần.

Đối với đất phù sa khả năng giữ dinh dưỡng trong đất tốt hơn và thành phần dinh dưỡng cũng phong phú nên có thể bón với lượng ít hơn và bón ít lần.

- Căn cứ vào đặc điểm của giống: các giống ngô lai năng suất cao chịu thâm canh thì nhu cầu dinh dưỡng cao hơn các giống ngô thường.

- Căn cứ vào đặc điểm của loại phân bón

+ Nếu bón phân hữu cơ cần bón với lượng lớn do hàm lượng các chất dinh dưỡng trong phân hữu cơ thấp.

+ Nếu bón phân vô cơ thì có thể bón với lượng ít hơn do hàm lượng dinh dưỡng trong phân vô cơ cao, bón phân NPK cân đối kết hợp với phân hữu cơ là biện pháp hữu hiệu làm tăng năng suất và phẩm chất ngô, giúp cải tạo đất, góp phần chống xói mòn và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Căn cứ vào chế độ luân canh, xen canh:

+ Nếu trồng ngô trong cơ cấu luân canh cần tìm hiểu mức bón phân của cây trồng trước để định ra chế độ bón phân cho cây ngô.

+ Khi trồng ngô thuần cần bón phân ở mức độ cao nhưng khi trồng xen cần tính toán lượng phân cần bón cho phù hợp với cây ngô.

- Căn cứ vào điều kiện khí hậu, thời tiết: trong điều kiện vụ đông xuân nhiệt độ thấp cần tăng cường bón lót, bón sớm và có thể tăng lượng bón. Vụ hè thu nhiệt độ cao chủ yếu bón thúc, chia làm nhiều lần bón chú ý thời kỳ cuối.

- Căn cứ vào đặc điểm của giống như giống dài ngày nhu cầu dinh dưỡng cao hơn giống ngắn ngày, giống ngô thuần nhu cầu thấp hơn so với các giống ngô lai.

Các giai đoạn sinh trưởng khác nhau nhu cầu dinh dưỡng của cây cũng khác nhau: thời kỳ cây con nhu cầu dinh dưỡng thấp, thời kỳ sinh trưởng mạnh nhu cầu dinh dưỡng cao…Các giống có thời gian sinh trưởng dài nhu cầu dinh dưỡng gấp 1,2 lần so với các giống có thời gian sinh trưởng ngắn.

Hiệu quả của phân bón chỉ có thể phát huy đầy đủ khi có chế độ bón phân hợp lý, bón cân đối giữa các nguyên tố. Bón phân cho ngô để đạt hiệu quả kinh tế cao phải căn cứ vào đặc tính của loại giống ngô, yêu cầu sinh lý của cây ngô qua các thời kỳ sinh trưởng. Tình hình sinh trưởng của cây ngô trên ruộng, tính chất đất, đặc điểm loại phân bón, kỹ thuật trồng trọt và điều kiện khí hậu thời tiết.

4. Quy trình bón phân cho ngô

4.1. Bón lót

Bón lót cho cây ngô là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trong suốt thời kỳ cây sinh trưởng và phát triển.

- Phân bón lót: có thể dung là phân hữu cơ, phân chuồng (thật hoai mục), phân xanh và có thể kết hợp với phân vô cơ như: Đạm, Lân, Kali. Ở những nơi thiếu phân chuồng có thể dùng bèo hoa dâu bón lót cho ngô cũng rất tốt, bón lót bèo hoa dâu cho ngô không những tăng năng suất ngô mà còn có tác dụng rõ trong việc cải tạo đất.

- Cách bón: bón vãi, bón hốc hay bón theo rạch. Trong điều kiện ít phân nên bón theo hốc, theo các rạch. Khi bón lót cần chú ý không để hạt giống tiếp xúc trực tiếp với phân vì phân hóa học tiếp xúc với hạt sẽ ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm của hạt.

- Lượng bón: 120 - 160 kg/ha Anfa german soper G (NPK 20.20.15+TE) + 200 - 300 kg/ha phân hữu cơ Anfa Batorganic.

4.2. Bón thúc

Bón thúc cho ngô có tác dụng tăng năng suất nhất là những nơi lượng phân bón lót ít. Bón thúc cho ngô phải dùng phân có hiệu quả nhanh, tốt nhất là dùng phân hóa học phân đạm và phân kali.

  • Bón thúc lần 1( khi cây ngô có 3 – 5 lá)

Khi chất dinh dưỡng trong hạt đã hết, cây ngô phải hút chất dinh dưỡng từ đất. Do đó bón thúc sẽ cung cấp chất dinh dưỡng kịp thời cho ngô xúc tiến quá trình phân hóa đốt và số lá.

Nên bón gần gốc, cách gốc 4 - 5 cm và bón nông. Các lần bón thúc sau nên bón xa gốc và sâu hơn, thường bón cách gốc 12cm và sâu 5 - 7cm. Khi bón thúc phải làm cỏ xới xáo, bón thúc xong phải vun gốc ngay mới tăng hiệu lực phân

Trường hợp đất ẩm có thể bón trực tiếp vào đất rạch 2 bên rãnh cách gốc 5 - 7 cm, rải đều phân, dùng đất bột lấp lại. Kết hợp vun nhẹ quanh gốc ngô.

- Lượng bón: 160 - 200 kg/ha Anfa german soper 3 (NPK 16.6.23+TE)

  • Bón thúc lần 2 (khi cây ngô có 9 - 10 lá)

Cây ngô bước vào giai đoạn phân hóa các cơ quan sinh sản cái. Bón thúc cho ngô lúc này giúp cho quá trình hình thành bắp được thuận lợi. Xúc tiến quá trình tạo ra các bộ phận sinh trưởng như: thân, lá, rễ. Xúc tiến quá trình phân hóa các cơ quan sinh sản. Xúc tiến phân hóa đực (bước 4-6). Hoa cái (bước 1-4) là các bước làm tăng số gié, số hoa đực và hàng hoa cái sau này.

Lần bón thúc này kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun cao gốc và tưới nước (nếu không có mưa).

- Lượng bón: 160 - 200 kg/ha Anfa german soper 3 (NPK 16.6.23+TE)

  • Bón thúc lần 3 lúc ngô xoắn nõn (10-15 ngày trước trỗ):

Có tác dụng tốt cho quá trình phân bón hóa bắp, trổ cờ, tung phấn, thụ tinh

- Lượng bón: 160 - 200 kg/ha Anfa german soper 3

* Chú ý khi bón phân cho ngô:

- Vào thời kỳ cây con ở một số thời vụ ngô thường bị ngập nước, hoặc chết rét. Rễ phát triển kém (chân chì) làm cây còi cọc. Có thể kết hợp pha P + N (lượng lân là chính) tưới cho cây để kích thích sự phát triển của bộ rễ.

- Bón thúc cho ngô còn phải dựa vào giống, chất đất, khí hậu, lượng phân bón lót cũng như kỹ thuật trồng trọt để định số lần bón, thời kỳ bón và lượng phân bón cho phù hợp.

- Về loại phân bón thúc nguyên tắc chung là dùng loại phân dễ tiêu, có hiệu quả nhanh như phân đạm, phân hữu cơ thật hoai mục, tốt nhất là dùng phân nước hoặc bón phân kết hợp với tưới nước.

Trên đây là một số lưu ý cũng như quy trình kỹ thuật bón phân cho cây ngô. Bà con có thể tìm mua phân bón Anfa tại các cửa hàng phân bón, đại lý hoặc liên hệ theo địa chỉ:

Công ty cổ phần Anfa Việt Nam

Địa chỉ: Lô 84, mặt bằng 2107, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Điện thoại: 0237 3755 686

Hi vọng những chia sẻ trên giúp bà con tăng năng suất và chất lương khi trồng ngô!

 

Kiến thức liên quan