News

We bring you the latest news happening, you will find the latest news, major events on agriculture.

Xuất bán nguyên liệu, thương hiệu cà phê dần mất hút trên thị trường

Xuất bán nguyên liệu, thương hiệu cà phê dần mất hút trên thị trường

Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân từ năm 2005, nhưng do chủ yếu xuất bán nguyên liệu, nên cà phê Buôn Ma Thuột dần mất hút trên thị trường.

Trong vườn cà phê xanh mướt trồng xen sầu riêng, bơ, hồ tiêu, ông Y Ki Buôn Krông, ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, Thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết, vườn cây canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế, cho năng suất ổn định 3,5 tấn cà phê nhân/ha. Là thành viên hợp tác xã nông nghiệp Ea Tu, trồng cà phê theo hướng bền vững, sản phẩm cà phê của gia đình ông luôn được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường.

“Phải làm đúng bài bản theo Chứng nhận của RFA người ta mới mua cà phê của mình. Cách cập nhật sổ sách theo nhóm trưởng, phun thuốc, bón phân và thu hoạch như thế nào đều phải học tập, tập huấn đầy đủ. Đến khi bán cà phê, bên hợp tác xã sẽ sẽ cộng thêm vào giá bán 1.000 đồng/kg cà phê tươi”, ông Y Ki cho biết.

 

Riêng Đăk Lăk đã có 1.600 sản phẩm cà phê lên sàn Sendo mà hiếm thấy sản phẩm ghi chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu - ông Trần Đình Trọng cho biết, cà phê Buôn Ma Thuột chất lượng hàng đầu thế giới, lại được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đó là lợi thế để hợp tác xã gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy vậy, mấy năm qua các Doanh nghiệp chỉ thu mua khoảng 50% sản lượng cà phê nhân có Chứng nhận của hợp tác xã. Số còn lại hơn 300 tấn, hợp tác xã tổ chức sản xuất cà phê bột mang thương hiệu Ea Tu và làm cà phê đặc sản, từng bước nâng cao giá trị thay vì chỉ bán cà phê nhân làm nguyên liệu.

Thương hiệu chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột nói một cách công tâm là vẫn còn lu mờ nên Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột có chuyển hướng mới là làm cà phê đặc sản. Hợp tác xã cũng là 1 thành viên của hiệp hội, do đó cũng tâm huyết là năm nào cũng dự thi cà phê đặc sản, từ đó góp phần xây dựng cà phê Buôn Ma Thuột phải là cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản để thế giới biết đến từ đó nâng cao được giá trị. Nếu cứ bán cà phê nhân xô như trước đây thương hiệu cà phê không thể hiện được gì nhiều”, ông Trọng nói.

Đúng là nếu chỉ bán nguyên liệu, cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột sẽ “mất hút” trên thị trường. Theo ông Lê Đức Huy, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột chỉ thực sự ý nghĩa khi gắn với các sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan.

Muốn phát huy chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột thì phải gắn với các nhà rang xay, gắn với sản phẩm tiêu dùng cuối, để chứng minh với người sử dụng là thực sự sản phẩm có những đặc trưng riêng. Do đó trong những năm qua, Hiệp hội đã hướng dẫn các thành viên sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê chế biến.

“Hiện nay Hiệp hội tiếp tục thông báo rộng rãi việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột với quy định phải có vùng nguyên liệu tại Buôn Ma Thuột, phải chứng minh được việc mua cà phê nhân từ vùng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Trong quá trình rang xay, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ được bản chất của cà phê Buôn Ma Thuột là có mẫu mã đẹp, có hậu vị ngọt. Hiệp hội rất cần nguồn lực để đi tuyên truyền cũng như quản lý chỉ dẫn địa lý trong mảng cà phê rang xay, cà phê hòa tan và cố gắng làm được hệ thống đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chỉ dẫn địa lý mà chưa làm được khâu thị trường”, ông Huy cho hay.

Từ năm 2016, chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột mới bắt đầu áp dụng cho sản phẩm cà phê chế biến. Hiện mỗi năm sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan có logo cà phê Buôn Ma Thuột chỉ khoảng 80 tấn, quá nhỏ so với thị trường tiêu thụ cũng như danh tiếng, sản lượng cà phê của địa phương.

Ông Phạm Gia Việt, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk cho biết, tháng 4/2021, chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột chính thức được Cục sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ mở rộng bảo hộ trong nước cho các sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hoà tan nguyên chất. Hiện Sở đang tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành văn bản điều chỉnh quy chế quản lý, sử dụng để phù hợp với đăng bạ mới.

“Quy chế quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đang điều chỉnh lần thứ hai. Việc đảm bảo sử dụng sở hữu trí tuệ này cũng là vấn đề khó vì không bắt buộc doanh nghiệp, cá nhân tham gia, nhưng nếu đã tham gia phải chấp nhận theo những quy định về thương hiệu, nhãn hiệu… để sau này muốn được bảo hộ thì phải đăng ký”, ông Việt nhấn mạnh.

Để được sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê, các doanh nghiệp, cá nhân bắt buộc phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí theo quy định. Nhưng trong “ma trận” sản phẩm cà phê trên thị trường hiện nay, khó có thể xác định đâu thực sự là cà phê từ Buôn Ma Thuột. Cà phê Buôn Ma Thuột có danh tiếng nhưng chưa phát huy hiệu quả, chưa gia tăng nhiều giá trị cho người trồng cà phê. Nguy cơ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột “mất hút” trên thị trường là điều thấy rõ./.

Minh Huệ/VOV-Tây Nguyên